Là sinh viên của Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, chúng tôi có cơ hội học tập, tìm hiểu, so sánh và đối chiếu những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, và lễ hội của một số quốc gia. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mong muốn trình bày một số phong tục đón năm mới phổ biến tại Anh Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản và Việt nam:
1. Đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới
Vào đêm cuối cùng của năm cũ, tại Anh người dân tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben tại thủ đô London báo hiệu một năm mới lại sang. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, và Việt nam người dân có phong tục xuất hành và thăm viếng đền chùa vào những giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với mong muốn đón được những may mắn đầu tiên của đất trời, mang lại sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.
2. Chọn người xông đất đầu năm
Mặc dù là quốc gia châu Âu nhưng Anh Quốc cũng có phong tục đón năm mới là xông đất đầu năm. Theo quan niệm của người Anh, sau đêm giao thừa thì vị khách đầu tiên đến thăm nhà có một ý nghĩa quan trọng nhất định. Khi đến thăm gia chủ, người Anh không gõ cửa mà tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân. Người khách này sẽ mang kèm một món quà mang tính tượng trưng mà theo truyền thống Anh là tiền, bánh mì và muối hoặc than đá. Vì người Anh quan niệm những vật này chính là biểu tượng của sự giàu có. Chúng sẽ mang lại sự đầy đủ trong suốt năm mới. Người được chọn đến làm khách trong đêm giao thừa trước khi nói chuyện với gia chủ phải cời lửa bếp lò và chúc chủ nhà “mở cửa gặp may”. Trong phong tục đón năm mới ở Anh cũng rất kiêng kỵ những người có tóc vàng hoặc đỏ đến xông đất. Cho nên, người dân nước này không bao giờ chọn những vị khách có tóc đỏ hay vàng để xông nhà cho mình theo tục “Bước chân đầu tiên”.
Xông đất (hay đạp đất, xông nhà) là tục lệ lâu đời tại Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, nếu người đầu tiên đến chúc Tết gia đình mà hạp tuổi với gia chủ thì trong năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tài lộc đến nhà. Chính vì vậy, vào ngày đầu tiên năm mới, người Việt rất coi trọng tục "xông đất". Thông thường người được chọn xông đất là nam giới, đặc biệt là những người có sức khỏe tốt, mặt mũi sáng sủa, có kinh nghiệm làm ăn, xởi lởi, vui vẻ hòa đồng để cả năm gia đình bạn cũng luôn gặp được thật nhiều may mắn, tài lộc. Người xông đất phải hợp tuổi với chủ nhà. Không giống như Anh hay Việt Nam, Nhật bản và Trung Quốc không có tục xông đất đầu năm.
3. Một số phong tục khác
Bên cạnh tục xông đất, cả người Anh, người Nhật, người Trung Quốc hay Việt nam đều có những phong tục truyền thống riêng, có nhiều màu sắc và nét độc đáo riêng
Tại Anh, người dân có Phong tục Burning Bush. Theo truyền thống thì những người nông dân sẽ thức dậy trước năm mới một chút và mang một bụi táo gai tới cánh đồng. Sau đó chúng sẽ được đốt trong bó rơm ở trên một cánh đồng lúa mì trong làng. Người dân nơi đây cho rằng đây chính biểu tượng may mắn cho việc làm nông. Thậm chí, có khi những bụi cây này được giữ lại và được treo trong nhà bếp đến tận năm sau. Phong tục thả lòng trắng trứng gà vào nước, tranh nhau gánh nước giếng, không quét dọn nhà cửa và tặng quà vào dịp năm mới ở Anh.
Tại Trung Quốc, người dân có một loạt các phong tục đón năm mới như quét bụi ngày Tết, dán câu đối, chữ Phúc, thần cửa, tế thần, tế tổ, ăn sủi cảo, bánh trôi, bánh Tết, đón Giao thừa và lì xì, đốt pháo, chúc Tết, chơi hội làng, hội chùa.
Tại Nhật bản, một loại phong tục đặc biệt được thực hiện đón Tết như treo mũ rơm (Shimekazari), đặt Kadomatsu ở cạnh cửa, gửi thiếp chúc mừng năm mới (Nengajo), Cúng các vị thần bánh nếp hình tròn (Kagamimochi), Món ăn Osechi (Osechi ryori), Ăn súp năm mới (Zoni), Món mì năm mới (Toshikoshi soba), Mở bánh Kagamimochi (Kagamibiraki).
Người Việt cũng có những phong tục truyền thống đón Tết đặc biệt như cúng ông Công, ông Táo, gói bánh chưng, chơi hoa dịp Tết, mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa, viếng thăm mộ tổ tiên, cúng tất niên, cúng đón giao thừa.
Mặc dù phong tục đón năm mới của các quốc gia có thể giống hoặc khác nhau, tuy nhiên mục đích của những nét đẹp truyền thống này đều hướng tới việc chào đón một năm mới tốt lành, an khang và thịnh vượng.
Trên đây là chia sẻ của sinh viên khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng về một số phong tục đón năm mới mà chúng tôi đã được học và tìm hiểu. Hy vọng các bạn thấy những chia sẻ này thú vị và và truyền cảm hứng để các bạn tiếp tục tìm hiểu chi tiết hơn về những giá trị truyền thống này.(TS. Trần Thị Ngọc Liên – Khoa Ngoại Ngữ)