Khi vạn vật được kết nối với nhau thông qua các nền tảng IoT, nếu người Việt không làm chủ công nghệ này thì không chỉ phụ thuộc về công nghệ, mà nguy hiểm hơn là dữ liệu người Việt sẽ không được bảo vệ.
Sự cần thiết của việc làm chủ hệ thống IoT
Theo Research and Markets, quy mô thị trường Internet vạn vật (IoT) tại Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 8,5 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, nếu như trên thế giới có gần 15 tỷ kết nối IoT, tức mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua Internet, thì tại Việt Nam, con số này chỉ bằng khoảng 1/20 so với trung bình thế giới.
Cùng với sự phát triển rất mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội tăng trưởng của thị trường IoT tại Việt Nam còn rất lớn. Đi kèm với đó, các công ty công nghệ của Việt Nam cũng đứng trước các cơ hội lớn. Với định hướng năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra các kết quả thiết thực để giải các bài toán cụ thể, công nghệ IoT sẽ trở cứu cánh để dữ liệu được sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị mới.
Ông Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Nền tảng IoT, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech - VHT) chia sẻ: “Một sản phẩm được gọi là một sản phẩm tốt, không chỉ đáp ứng về các tính năng, hiệu năng mà phải rất phù hợp với văn hóa sử dụng của người trong nước. Trên sân nhà, chúng ta đương nhiên phải có lợi thế hơn vì chúng ta hiểu điều đó hơn những giải pháp của nước ngoài”.
Theo chuyên gia này, các giải pháp IoT cần được may đo, thiết kế chuẩn cho cách dùng tại Việt Nam. Đây chính là thế mạnh của các công ty công nghệ Việt Nam trong việc tạo ra những giá trị thực sự cho khách hàng nhiều hơn, thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào tính năng và hiệu năng sản phẩm.
Chia sẻ thêm về cơ hội thị trường, ông Lê Ngọc Quý cho biết: “Để điều khiển tay máy trong nhà máy hay những ứng dụng thực tế tăng cường/thực tế ảo (AR, VR), yêu cầu công nghệ 5G để kết nối là rất lớn. Ở Việt Nam, điều này còn có khoảng cách so với Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam, ứng dụng 5G cho trang trại thông minh (smartfarm), nhà thông minh (smarthome), quản lý tài sản, quản lý đội xe và ứng dụng y tế có tiềm năng rất lớn trong vài năm tới”.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của IoT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng chia sẻ: “Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn… Kết nối vạn vật làm cho thế giới thông minh hơn”. “Một xã hội thông minh là một xã hội hiệu quả hơn, Việt Nam chúng ta khan hiếm rất nhiều tài nguyên thì IoT là cứu cánh để sử dụng mọi thứ hiệu quả hơn”.
“Cú hích” cho sự bùng nổ kết nối IoT từ doanh nghiệp (DN) Việt
Với vai trò dẫn dắt công nghệ của một tập đoàn lớn, từ giữa năm 2020, Viettel đã đầu tư nguồn lực lớn cho IoT, thông qua dự án Viettel Innoway. Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu xây dựng một nền tảng hỗ trợ các giải pháp IoT toàn trình, đưa IoT thành dịch vụ tạo ra giá trị cho mọi cá nhân, gia đình và DN ở Việt Nam, đóng góp vào chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Viettel Innoway mang đến một nền tảng đa năng với đầy đủ 4 bước: thu thập dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xử lý dữ liệu và đưa ra quyết định.
Viettel Innoway cho phép thu thập dữ liệu từ hàng tỷ các thiết bị phần cứng, cung cấp dịch vụ quản trị, giám sát, phân tích dữ liệu cho khu chung cư, sân bay, khu công nghiệp… theo thời gian thực, với tính năng và công nghệ cạnh tranh vượt trội so với các nền tảng khác ở Việt Nam.
Cụ thể, công cụ quản lý kết nối (Telco) hỗ trợ khách hàng quản lý kết nối vô tuyến và tối ưu chi phí kết nối này trong quá trình triển khai dịch vụ. Việc hỗ trợ toàn trình của nền tảng (phần cứng, kết nối và đám mây (cloud)) cùng đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ khách hàng phát triển giải pháp giảm thiểu thời gian hoàn thiện sản phẩm (trung bình chỉ mất 2 tháng cho việc phát triển 1 dịch vụ IoT mới với chi phí thấp).
Đến nay, Viettel IoT Innoway đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tích hợp vào các sản phẩm đang kinh doanh của Viettel trong các lĩnh vực thiết bị định vị thông minh, nông nghiệp thông minh, smarthome, đo thông minh (smart metering)…
Ví dụ, trong lĩnh vực định vị thông minh, Viettel IoT Innoway đã được triển khai hơn 10.000 thiết bị định vị cá nhân Vtag và 90.000 thiết bị giám sát phương tiện vận tải V-tracking trong năm 2023. Cùng với đó, đã có hơn 3.700 tàu biển được lắp đặt bộ thiết bị định vị nhỏ gọn S-tracking.
Sử dụng giải pháp V-tracking, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàn Hảo nhận định: “Ngồi ở nhà mình có thể theo dõi quá trình di chuyển của lái xe trên đường, đi tuyến nào, cung đường nào, trạng thái lái xe ra sao. Tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí nhân công, quản lý con người, cũng như giám sát được hành trình của xe”.
Với nông nghiệp thông minh, Innoway hỗ trợ nông dân theo dõi thông tin về môi trường, thời tiết, và sức khỏe cây trồng, vật nuôi để tối ưu sản lượng và giảm thiểu sử dụng hóa chất.
Về smarthome, Innoway đã phát triển và cung cấp thử nghiệm giải pháp điều khiển và quản lý các thiết bị trong nhà như đèn, điều hòa và thiết bị an ninh cho hơn 60 hộ gia đình, khoảng 1000 thiết bị. Nền tảng IoT của Viettel cũng đang hỗ trợ các DN ngoài Viettel, tích hợp các bộ giải pháp smarthome, hoàn toàn không lệ thuộc vào nền tảng nước ngoài.
Về smart metering, bộ công cụ CMP của Viettel Innoway đang hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý vận hành hệ thống của các DN điện, nước. Hiện nay, nền tảng CMP đã có hơn 610.000 thiết bị kết nối và 60 DN đang thường xuyên sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Với những thành tựu đó, tại lễ trao giải thưởng IT World Awards 2023, Viettel Innoway đã giành Giải Vàng tại hạng mục Internet of Things (IoT). Dự án này đã trở thành một minh chứng rõ nét về việc Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp thế giới trong lĩnh vực IoT nói riêng và dữ liệu số nói chung với sự nỗ lực, đồng lòng của Chính phủ và DN./.
(Nguồn: //ictvietnam.vn/)
Viết bình luận